KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

1. MẤT Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Cảm giác mất đi ý nghĩa của cuộc sống được coi như là vấn đề chính trong các cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nói cách khác, những cuộc khủng hoảng này thường xoay quanh câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, chẳng hạn như: Cuộc sống có mục đích gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? Chúng ta cần sống cuộc đời này như thế nào? 

Từ trước tới nay, câu trả lời cho những câu hỏi lớn này thường đến từ các lời giảng của tôn giáo. Ví dụ, nhiều người tin rằng thế giới được tạo ra theo ý muốn của Chúa và mọi thứ đều có ý nghĩa vì nó phục vụ cho mục đích cao cả này. Điều này được gọi là "ý nghĩa vũ trụ" (cosmic meaning).

Khủng hoảng hiện sinh thường liên quan đến sự bối rối trong thực tế về cách chúng ta nên sống cuộc đời của mình hoặc lý do tại sao nên tiếp tục làm những gì mình đang làm. Điều này có thể biểu hiện dưới hình thức cảm giác rằng mình không còn gì để sống hoặc hy vọng. 

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, việc tìm kiếm ý nghĩa vũ trụ ấy đang dần trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều người cho rằng việc tìm ra một ý nghĩa cá nhân cho cuộc sống, tức là những điều có ý nghĩa đối với riêng mình, cũng đủ để giúp giải quyết cảm giác vô nghĩa.

Cảm giác mất ý nghĩa cuộc sống trở nên nghiêm trọng vì con người có nhu cầu hoặc khao khát mạnh mẽ về ý nghĩa. Điều này thể hiện cả về mặt cảm xúc lẫn thực tế, vì mục tiêu và lý tưởng là cần thiết để kiến tạo cuộc sống của con người. 

Hoặc cũng có cách nhìn khác nữa đó là thực ra chẳng có cái ý nghĩa nào quan trọng như vậy, và thế giới tồn tại theo một cách khác. Khi nghĩ như vậy, người ta sẽ thấy được sự thờ ơ của thế giới đối với các vấn đề của con người, và điều này thường được gọi là “sự phi lý trong văn học hiện sinh.” 

Cảm giác mất ý nghĩa cuộc sống có thể được tóm tắt qua một câu hỏi ngắn gọn: "Một sinh thể rất cần tìm ý nghĩa thì phải làm thế nào để tìm thấy nó trong một vũ trụ không có ý nghĩa?" 

Cuộc sống có cảm giác ý nghĩa hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mối quan hệ xã hội, tôn giáo, và suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Cảm nhận về ý nghĩa cuộc sống là rất cá nhân và thường cần nhìn nhận nhiều mặt của cuộc sống.

Có người cho rằng mất đi cảm giác ý nghĩa sống là vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại. Điều này có thể bởi vì trước đây, con người thường dựa nhiều hơn vào môi trường xung quanh, công việc và tôn giáo để cảm thấy có ý nghĩa trong cuộc sống.

2. KHÁI NIỆM VỀ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Trong tâm lý học và trị liệu tâm lý, "khủng hoảng hiện sinh" là một dạng xung đột nội tâm, khi người ta cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa và phải đối mặt với nhiều cảm giác tiêu cực như căng thẳng, lo âu, tuyệt vọng và trầm cảm. Điều này thường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người đó.

Khủng hoảng hiện sinh khác với các loại khủng hoảng khác như khủng hoảng xã hội hoặc tài chính, vì nó chủ yếu xảy ra trong tâm trí của người đó. Mặc dù hoàn cảnh bên ngoài có thể gây ra hoặc làm nặng thêm vấn đề đang có, điều quan trọng vẫn chính là những xung đột bên trong. Để giải quyết khủng hoảng hiện sinh, chúng ta cần tập trung vào giải quyết xung đột nội tâm và tìm kiếm những nguồn ý nghĩa mới cho cuộc sống.

Vấn đề chính gây ra xung đột nội tâm là sự mâu thuẫn giữa những mong muốn của cá nhân về một cuộc sống có ý nghĩa trong khi chính mong muốn đó lại bị cản trở bởi sự thiếu hụt ý nghĩa rõ ràng, cùng với đó, chúng ta thường bối rối về ý nghĩa thực sự của “ý nghĩa" là gì và liên tục tự hoài nghi về chính bản thân mình. Theo cách này, khủng hoảng hiện sinh là khủng hoảng về ý nghĩa sống.

Điều này thường được hiểu qua lăng kính của triết lý hiện sinh, một phong trào triết học. Một điểm quan trọng của nhiều hình thức triết lý hiện sinh là cá nhân cố gắng sống một cách có ý nghĩa nhưng lại thấy mình sống trong một thế giới thiếu ý nghĩa và thờ ơ. 

Thuật ngữ "khủng hoảng hiện sinh" không thường xuất hiện trong các tài liệu triết học hiện sinh truyền thống, mà có nhiều thuật ngữ liên quan khác như nỗi sợ hãi hiện sinh, sự trống rỗng hiện sinh, nỗi tuyệt vọng hiện sinh, chứng thần kinh hiện sinh, bệnh hiện sinh, sự lo âu và sự cô độc.

Các nhà nghiên cứu có những góc nhìn khác nhau về khủng hoảng hiện sinh. Một số cho rằng khủng hoảng hiện sinh thực chất là khủng hoảng về danh tính. Theo cách nhìn này, khủng hoảng hiện sinh bắt đầu bằng sự bối rối của bản thân người đó với câu hỏi "Tôi là ai?" và mục tiêu là hiểu rõ hơn về bản thân và vị trí của mình trong thế giới. Những khủng hoảng này thường khiến người ta phải tự phân tích sâu về bản thân, tìm kiếm những cách nhìn nhận mới về chính mình.

Khủng hoảng hiện sinh cũng liên quan đến việc đối diện với những khía cạnh quan trọng của cuộc sống con người, như sự tồn tại, cái chết, tự do, và trách nhiệm. Trong giai đoạn khủng hoảng, người ta thường bắt đầu đặt câu hỏi về những điều cốt lõi trong cuộc đời mình. Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến việc đối mặt với những giới hạn của con người, như cái chết hay việc không đủ khả năng để kiểm soát những sự việc quanh mình. Cũng có học giả cho rằng khủng hoảng hiện sinh có yếu tố tâm linh, và ngay cả những người thành công về vật chất vẫn có thể trải qua khủng hoảng này nếu họ thiếu sự phát triển về tinh thần.

3. BIỂU HIỆN CỦA KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Khủng hoảng hiện sinh là hiện tượng phức tạp và thường được chia thành ba phần chính: cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.

Mặc dù cả ba yếu tố này thường có mặt trong các trường hợp khủng hoảng hiện sinh, cách biểu hiện ở mỗi người có thể rất khác nhau. Việc phân chia các yếu tố này giúp hiểu rõ hơn về khủng hoảng hiện sinh và tạo ra một định nghĩa chung cho nó.

3.1. BIỂU HIỆN VỀ CẢM XÚC

Về mặt cảm xúc, khủng hoảng hiện sinh thường đi kèm với những cảm giác khó chịu như sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn và tuyệt vọng. Đây là một dạng đau đớn về tinh thần, khi người ta cảm thấy mất niềm tin và hy vọng. Nỗi đau này thường xuất hiện qua cảm giác tuyệt vọng và bất lực.

Tuy nhiên, nhiều người trải qua khủng hoảng hiện sinh lại thường cảm thấy họ có phần nào đó phải chịu trách nhiệm cho tình trạng của mình

Ví dụ, họ thường cho rằng cảm giác mất ý nghĩa cuộc sống này chính là hệ quả của những lựa chọn kém trong quá khứ, và họ cảm thấy tội lỗi về điều đó. Trong trường hợp của nhiều người, cảm giác tội lỗi này có thể mang tính trừu tượng hơn, được gọi là tội lỗi hiện sinh, khi người ta cảm thấy có lỗi mà không rõ ràng với một hành động sai trái cụ thể nào.

Đặc biệt là trong các khủng hoảng hiện sinh xảy ra ở giai đoạn cuối đời, cảm giác tội lỗi thường đi kèm với nỗi sợ cái chết. Tương tự như tội lỗi, nỗi sợ này cũng có thể mang tính trừu tượng, biểu hiện qua sự lo âu không cụ thể liên quan đến cảm giác thiếu thốn và thiếu ý nghĩa trong cuộc sống.

Khủng hoảng hiện sinh, khi là khủng hoảng về danh tính, thường làm mất đi cảm giác toàn vẹn cá nhân. Điều này xảy ra khi người ta cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa và thiếu động lực. Cảm giác toàn vẹn cá nhân liên quan đến mối quan hệ gần gũi với chính mình, với người khác và với thế giới xung quanh. Khi không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, những mối quan hệ này bị ảnh hưởng tiêu cực. Thiếu mục đích rõ ràng có thể làm cho người ta cảm thấy không an toàn, xa lánh và tự bỏ rơi bản thân.

Khủng hoảng hiện sinh có ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ xã hội với người khác, và kết quả là thường dẫn đến cảm giác cô đơn.

Tùy thuộc vào từng người và khủng hoảng họ đang trải qua, các yếu tố cảm xúc này có thể mạnh mẽ hoặc nhẹ nhàng hơn. Mặc dù tất cả đều trải qua cảm giác khó chịu, nhưng chúng cũng có thể chứa đựng những tiềm năng tích cực, giúp người ta phát triển cá nhân theo hướng tốt hơn. Ví dụ, qua trải nghiệm cảm giác cô đơn, người ta có thể hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của các mối quan hệ.

3.2. BIỂU HIỆN VỀ NHẬN THỨC

Trong khủng hoảng hiện sinh, thường người ta có cảm giác mất đi ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Trong những lúc này, người ta thường có suy nghĩ rằng hành động của mình và thậm chí là của những người khác dường như không có ý nghĩa sâu xa hay mục đích cao cả gì. Những người này thường tự đặt câu hỏi tại sao mình làm những việc mình đang làm và tại sao phải tiếp tục.Trong trị liệu hiện sinh, mục tiêu chính là giúp người đang trải qua khủng hoảng tìm ra câu trả lời cho cảm giác vô nghĩa này. Ví dụ, Viktor Frankl gọi trạng thái tâm lý này là "khoảng trống hiện sinh" trong phương pháp logotherapy của ông. Nhiều phương pháp trị liệu hiện sinh cố gắng giúp người bệnh tìm lại ý nghĩa trong cuộc sống của họ.

Một vấn đề liên quan nữa trong nhận thức của người đang trải qua khủng hoảng hiện sinh là sự mất giá trị cá nhân. Điều này có nghĩa là những thứ từng quan trọng với người đó, như mối quan hệ hoặc thành công trong sự nghiệp, giờ lại trở nên không còn ý nghĩa. Nhưng khi họ đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, thường người ta sẽ khám phá ra được những giá trị mới.

Một nhận thức nữa hay có ở những người đang trải qua khủng hoảng hiện sinh là suy nghĩ đối với cái chết của bản thân, tức là nhận ra rằng mình sẽ phải chết một ngày nào đó. Mặc dù việc này không phải điều gì mới mẻ và ai cũng biết, nhưng nó trở nên cụ thể và gần gũi hơn khi người ta phải đối mặt với thực tế này. Khía cạnh này rất quan trọng đối với khủng hoảng hiện sinh xảy ra khi người ta ở giai đoạn cuối đời, hoặc khi chúng ta mất đi người thân, hoặc bản thân hoặc người thân mắc bệnh nặng. Đối với nhiều người, suy nghĩ về cái chết gây ra sự lo lắng. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc suy nghĩ thẳng thắn về cái chết có thể phần nào giúp giải quyết khủng hoảng hiện sinh. Khi nhận thức rằng thời gian của mình có hạn, người ta có thể cảm thấy thời gian còn lại quý giá hơn và dễ nhận ra những điều quan trọng hơn, so với những lo lắng nhỏ nhặt hàng ngày.

Những yếu tố hữu ích khi chuẩn bị tâm lý cho cái chết gần kề bao gồm các cách tiếp cận từ tôn giáo, từ sự tự tôn trọng bản thân, sự hòa nhập xã hội và triển vọng tương lai của chính mình.

3.3. BIỂU HIỆN VỀ HÀNH VI

Khủng hoảng hiện sinh có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. 

Thường thì, người ta sẽ tự cô lập mình và ít tham gia vào các hoạt động xã hội. Ví dụ, giao tiếp với người sống cùng trong nhà có thể chỉ còn lại những câu trả lời ngắn gọn như "có" hoặc "không" để tránh phải nói chuyện lâu hơn, hoặc người ta giảm bớt các hình thức liên lạc không thật sự cần thiết. Điều này có thể dẫn đến việc mất đi những mối quan hệ lâu dài.

Trong một số trường hợp, khủng hoảng hiện sinh có thể biểu hiện qua hành vi chống đối xã hội rõ ràng, như thù địch hoặc hung hăng. Trong các trường hợp khác, những cảm xúc tiêu cực này có thể hướng về chính bản thân, dẫn đến tự gây thương tích và, trong trường hợp xấu nhất, là tự tử.

Hành vi lạm dụng chất kích thích cũng thường xuất hiện ở những người đang trải qua khủng hoảng hiện sinh. Một số người tìm đến ma túy để giảm bớt tác động của những trải nghiệm tiêu cực, trong khi những người khác hy vọng rằng những trải nghiệm khác thường do ma túy mang lại có thể giúp họ đối phó với khủng hoảng. Mặc dù những hành vi này có thể giúp giảm bớt cảm giác tiêu cực trong thời gian ngắn tạm thời, nhưng thường thì nó không phải là giải pháp hiệu quả lâu dài và có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng.

Đối với những người bị ảnh hưởng, thường rất khó để phân biệt giữa nhu cầu về niềm vui và quyền lực với nhu cầu về ý nghĩa và mục đích sống, dẫn đến việc họ đi sai hướng trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng. Việc lạm dụng ma tuý hoặc bản thân những căng thẳng tâm lý do khủng hoảng hiện sinh có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ tăng huyết áp đến tổn thương cơ quan nội tạng lâu dài và nguy cơ cao mắc ung thư.

Khủng hoảng hiện sinh cũng có thể khiến cho người bị ảnh hưởng có những hành vi, thói quen mang tính nghi lễ, hình thức. Trong một số trường hợp, việc này có thể giúp người đó có một cái nhìn mới về cuộc sống. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành hành vi cưỡng chế, chỉ nhằm mục đích để phân tâm hơn là trực tiếp giải quyết vấn đề.

Một khía cạnh tích cực khác là những người đang trải qua khủng hoảng thường xu hướng tìm kiếm trị liệu. Sự tìm kiếm này cho thấy người bị ảnh hưởng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và mong muốn giải quyết nó.

4. CÁC KỲ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Khủng hoảng hiện sinh thường được phân loại theo giai đoạn cuộc đời của mỗi người. Nguyên do là, tùy vào giai đoạn tuổi tác, mỗi người sẽ đối mặt với các vấn đề khác nhau liên quan đến ý nghĩa và mục đích sống của chính mình. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng có thể dẫn đến những loại khủng hoảng khác nhau.

Mặc dù các giai đoạn này thường được phân loại theo các nhóm tuổi cụ thể, nhưng không phải lúc nào sự phân loại này cũng chính xác. Những người cùng tuổi có thể đang ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống và có những tình huống khác nhau. Cần hiểu rõ những khác biệt này để xác định đúng nguyên nhân của khủng hoảng và tìm ra cách giải quyết phù hợp.

Khủng hoảng hiện sinh được biết đến nhiều nhất là khi nó xảy ra ở tuổi trung niên (hay còn gọi là khủng hoảng tuổi trung niên), và nhiều nghiên cứu tập trung cụ thể vào loại khủng hoảng này. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu chỉ ra nhiều loại khủng hoảng hiện sinh khác nhau. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có sự đồng thuận chung về số lượng và phân loại chính xác của các loại khủng hoảng này, vì vậy viện phân loại này không phải lúc nào cũng trùng khớp, nhưng vẫn có sự giao thoa đáng kể và đáng để tập trung nghiên cứu.

Thông thường, người ta hay phân biệt các khủng hoảng theo thứ tự thời gian: khủng hoảng tuổi dậy thì, khủng hoảng tuổi thành niên, khủng hoảng trung niên và khủng hoảng tuổi già. Một số khác chỉ tập trung vào khủng hoảng đầu đời, khủng hoảng tuổi thành niên và khủng hoảng tuổi già, nhưng lại có định nghĩa chúng theo cách rộng hơn. Khủng hoảng đầu đời và khủng hoảng tuổi thành niên thường được xem như là cách gọi khác của khủng hoảng ¼ cuộc đời.

Các khủng hoảng ở giai đoạn đầu đời thường tập trung vào việc lo lắng và bối rối về con đường cuộc sống mà mình muốn đi. Trong khi đó, khủng hoảng ở giai đoạn sau đời thường liên quan đến cảm giác tội lỗi và hối tiếc về quá khứ, cùng với nỗi lo về cái chết.

Những khủng hoảng này có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, nếu một khủng hoảng ở giai đoạn đầu đời không được giải quyết tốt, thì khủng hoảng ở giai đoạn sau có thể trở nên khó khăn hơn. Nhưng ngay cả khi người đó vượt qua được các đợt khủng hoảng đầu đời, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ vượt qua các khủng hoảng sau này một cách dễ dàng hoặc khủng hoảng sẽ không xảy ra với họ nữa.

Một cách tiếp cận khác phân loại khủng hoảng hiện sinh là dựa trên mức độ nghiêm trọng của chúng. Một số nhà lý thuyết sử dụng các thuật ngữ "trống rỗng hiện sinh" và "rối loạn hiện sinh" để chỉ các mức độ khác nhau của khủng hoảng hiện sinh.

Theo cách tiếp cận này, "trống rỗng hiện sinh" là một hiện tượng khá phổ biến, thường biểu hiện qua cảm giác buồn chán, thờ ơ, và trống rỗng. Một số người chỉ trải nghiệm cảm giác này trong thời gian rảnh rỗi mà không bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Thuật ngữ "ngày Chủ Nhật trống rỗng" thường được dùng trong trường hợp này.

Khi trống rỗng hiện sinh trở nên trầm trọng hơn, nó sẽ trở thành rối loạn hiện sinh khi có kèm theo các triệu chứng lâm sàng rõ ràng, như trầm cảm hoặc nghiện rượu.

4.1. TUỔI DẬY THÌ

Khủng hoảng tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành và xoay quanh việc phát triển sự độc lập và bản sắc cá nhân. Ở giai đoạn này, mối quan hệ với gia đình thường thay đổi, và người trẻ có thể dành nhiều thời gian hơn với bạn bè cùng lứa.

Những hành vi nổi loạn hoặc chống đối xã hội, như trộm cắp hay xâm phạm tài sản, có thể được coi là những nỗ lực để đạt được hoặc thể hiện sự độc lập cá nhân. Đồng thời, người trẻ cũng có thể xuất hiện những hành vi như chơi theo nhóm bạn bè hay bắt chước các thần tượng, thay vì tuân theo chuẩn mực của gia đình hoặc xã hội. Đây có thể là bước tạm thời để tách biệt khỏi các chuẩn mực cũ, trước khi người trẻ tự tìm ra sự độc lập của bản thân mình ở mức độ cao hơn, tức là không bị ảnh hưởng bởi bạn bè hay thần tượng.

Một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng tuổi teen là tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong bản sắc mới của mình. Nếu không có điều này, cảm giác lạc lõng có thể dẫn đến trầm cảm.

Vai trò của cha mẹ cũng rất quan trọng. Bằng cách chú ý đến các dấu hiệu trầm cảm như thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ, kết quả học tập giảm sút, ít giao tiếp và dễ bị cáu gắt, cha mẹ có thể nhận ra khi con cái đang trải qua khủng hoảng. Việc thường xuyên trò chuyện và hỏi han con cái giúp cha mẹ phát hiện sớm hơn khủng hoảng này.

4.2. TUỔI THÀNH NIÊN

Khủng hoảng tuổi 20, hay còn gọi là "quarter-life crisis," (khủng hoảng ¼ cuộc đời) thường xảy ra ở giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, trong khoảng từ 18 đến 30 tuổi. Một số nhà nghiên cứu phân loại khủng hoảng ở giai đoạn này thành hai nhóm riêng biệt: khủng hoảng năm thứ hai và khủng hoảng trưởng thành.

Khủng hoảng năm thứ hai chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở cuối tuổi teen hoặc đầu 20 tuổi. Nó cũng được gọi là "khủng hoảng năm thứ hai" khi xảy ra ở sinh viên. Đây là thời điểm mà những câu hỏi nghiêm túc về ý nghĩa cuộc sống và vai trò của các bạn sinh viên trong thế giới bắt đầu xuất hiện. Những câu hỏi này có liên quan trực tiếp đến tương lai của họ, như việc chọn nghề nghiệp và xây dựng các mối quan hệ thành công. Khủng hoảng năm thứ hai thường liên quan đến lo âu về tương lai và cách phát triển và sử dụng khả năng của mình.

Khủng hoảng này thường ảnh hưởng đặc biệt đến những người có thành tích cao, những người lo lắng rằng họ không đạt được tiềm năng tối đa của mình do thiếu một kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Để giải quyết khủng hoảng này, cần tìm ra những câu trả lời có ý nghĩa cho các câu hỏi này. Những câu trả lời này có thể dẫn đến những cam kết thực tiễn và giúp định hình các quyết định trong tương lai.

Một số người đã chọn nghề nghiệp từ rất sớm có thể không bao giờ trải qua khủng hoảng năm thứ hai. Tuy nhiên, những quyết định sớm này có thể gây ra vấn đề sau này vì chúng thường dựa vào sự kỳ vọng của môi trường xã hội nhiều hơn là sự hiểu biết cá nhân về sở thích riêng. Nếu có sự khác biệt lớn giữa hai điều này, có thể dẫn đến một dạng nghiêm trọng hơn của khủng hoảng năm thứ hai sau này. James Marcia gọi việc cam kết sớm mà không có sự khám phá đầy đủ là "đóng sớm bản sắc."

Khủng hoảng tuổi trưởng thành thường bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi 20. Các vấn đề gặp phải trong khủng hoảng này có sự trùng lặp với khủng hoảng năm thứ hai, nhưng chúng thường phức tạp hơn và liên quan nhiều hơn đến bản sắc cá nhân. Những vấn đề này xoay quanh sự nghiệp và con đường trong cuộc sống, nhưng thường bao gồm các yếu tố chi tiết hơn, chẳng hạn như tôn giáo, quan điểm chính trị, hoặc sự định hình về giới tính.

Giải quyết khủng hoảng tuổi trưởng thành có nghĩa là cần hiểu rõ về bản thân và cảm thấy thoải mái với điều đó. Khủng hoảng này thường gắn liền với việc đạt đến tuổi trưởng thành hoàn toàn, bao gồm việc hoàn thành học vấn, làm việc toàn thời gian, rời khỏi nhà và trở nên độc lập tài chính. Nếu không giải quyết được khủng hoảng tuổi trưởng thành, người ta có thể cảm thấy mất phương hướng, thiếu tự tin vào bản sắc cá nhân, và dẫn đến trầm cảm.

4.3. TUỔI TRUNG NIÊN

Trong các loại khủng hoảng hiện sinh, khủng hoảng tuổi trung niên thường được nghiên cứu nhiều nhất. Thường bắt đầu vào khoảng tuổi 40, khủng hoảng này xuất hiện khi người đó cảm thấy sự phát triển cá nhân của mình bị cản trở hoặc hạn chế. Điều này thường kèm theo cảm giác thất vọng khi có sự chênh lệch lớn giữa những thành tựu đạt được và những ước vọng cá nhân.

Khác với các đợt khủng hoảng trước đó, khủng hoảng tuổi trung niên có yếu tố nhìn lại quá khứ: các lựa chọn trước đây trong cuộc sống bị hoài nghi và được đánh giá về ý nghĩa của chúng đối với thành tựu hiện tại. Điều này có thể dẫn đến sự hối tiếc và không hài lòng với các quyết định trong cuộc sống về sự nghiệp, bạn đời, con cái, địa vị xã hội, hoặc những cơ hội đã bỏ lỡ. Xu hướng nhìn lại thường gắn liền với cảm giác rằng mình đã qua thời kỳ đỉnh cao của cuộc sống.

Đôi khi, người ta phân chia quá trình khủng hoảng giữa đời thành năm giai đoạn trung gian: thích nghi (accomodation), tách biệt (seperation), chuyển tiếp (liminality), tái hòa nhập (reintegration), và tự ngã hóa (individuation).

Khủng hoảng tuổi trung niên có thể bị kích thích bởi các sự kiện có tính cụ thể như mất việc, thất nghiệp ngoài ý muốn, bị ngoại tình, ly thân/ly hôn, người thân qua đời, hoặc các vấn đề sức khỏe. Khủng hoảng tuổi trung niên vì thế có thể được hiểu là một giai đoạn chuyển tiếp hoặc đánh giá lại, trong đó người ta cố gắng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống của mình, không chỉ đáp ứng với sự kiện kích thích cụ thể mà còn với những thay đổi chung do tuổi tác mang lại. 

Các biểu hiện thường có của khủng hoảng tuổi trung niên bao gồm căng thẳng, chán nản, nghi ngờ bản thân, ám ảnh cưỡng chế, thay đổi trong ham muốn và sở thích tình dục, suy nghĩ lan man và thiếu tự tin. Khủng hoảng tuổi trung niên thường gặp nhiều ở nam giới, và có nhiều liên quan trực tiếp đến sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự, đặc biệt là trong giai đoạn sinh và chăm con hoặc giai đoạn tiền mãn kinh.

Ước tính có tới 8 đến 25% người Mỹ trên 35 tuổi đã trải qua khủng hoảng tuổi trung niên. Mức độ nghiêm trọng và thời gian của khủng hoảng thường bị ảnh hưởng bởi việc các đợt khủng hoảng trước đó đã được giải quyết tốt hay không. Những người đã giải quyết tốt các khủng hoảng trước đó thường cảm thấy hài lòng hơn với các lựa chọn trong cuộc sống của mình, và điều này sẽ được phản ánh trong cách mà họ nhìn nhận lại  ý nghĩa các quyết định của mình. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng những quyết định đó vẫn có ý nghĩa từ góc độ hiện tại.

4.4. TUỔI VỀ GIÀ

Khủng hoảng tuổi già thường xảy ra vào khoảng cuối những năm 60 tuổi. 

Nó có thể được kích hoạt bởi các sự kiện như nghỉ hưu, sự qua đời của người thân, bệnh hiểm nghèo hoặc suy nghĩ về cái chết đang cận kề. Cốt lõi của khủng hoảng này là sự tự xem xét lại cách mà người ta đã sống cuộc đời của mình và các lựa chọn mà họ đã đưa ra. Những người trong giai đoạn này thường làm vậy bởi mong muốn mạnh mẽ ẩn sâu trong họ về việc sống một cuộc đời có giá trị và đầy ý nghĩa, trong khi đó họ lại có sự không chắc chắn về những thành công của mình.

Họ cùng thường cố gắng đánh giá liệu cuộc đời của mình có tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với người thân xung quanh hay thế giới bên ngoài nói chung không. Điều này thường liên quan đến mong muốn để lại một di sản tích cực và có ảnh hưởng.

Vì khủng hoảng tuổi già thường liên quan tới những sự kiện trong quá khứ, nên ít có khả năng để thực sự giải quyết khủng hoảng này, đặc biệt là đối với những người đánh giá tiêu cực về cuộc đời của mình. Một yếu tố cản trở thêm là so với các khủng hoảng trước đó, các cá nhân thường không còn đủ năng lượng và sự trẻ trung cần thiết để thực hiện những thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

Một số người cho rằng việc chấp nhận thực tế của cái chết có thể giúp ích trong quá trình này. Các gợi ý khác không tập trung vào việc giải quyết khủng hoảng một cách trực tiếp mà chủ yếu là giảm thiểu hoặc tránh những tác động tiêu cực của nó. Trong giai đoạn này, nên chăm sóc sức khỏe thể chất, tài chính và cảm xúc của bản thân cũng như phát triển và duy trì một mạng lưới hỗ trợ xã hội. Khủng hoảng này có thể được giảm thiểu nếu các khủng hoảng trước đó trong cuộc đời đã được giải quyết một cách hiệu quả.

5. HẬU QUẢ CỦA KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh có liên quan đến nhiều hậu quả khác nhau, cả đối với cá nhân bị ảnh hưởng lẫn môi trường xã hội của họ. 

Ở mức độ cá nhân, các tác động trực tiếp thường là tiêu cực, vì việc trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh thường gắn liền với căng thẳng, lo âu và hình thành các mối quan hệ không tốt. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm nếu không được giải quyết. 

Ở mức độ xã hội, các cuộc khủng hoảng này có thể gây ra tỷ lệ ly hôn cao và gia tăng số lượng người không thể đóng góp tích cực cho xã hội, chẳng hạn như do thiếu động lực xuất phát từ trầm cảm. 

Tuy nhiên, nếu được giải quyết đúng cách, khủng hoảng hiện sinh cũng có thể mang lại những hiệu ứng tích cực, khuyến khích cá nhân đối mặt với vấn đề cốt lõi. Họ có thể tìm ra nguồn ý nghĩa mới, phát triển bản thân và cải thiện cách sống của mình. Ví dụ, trong khủng hoảng giai đoạn sinh viên năm hai, điều này có thể xảy ra khi họ lập kế hoạch trước và đưa ra các lựa chọn có ý thức hơn về cách sống của mình.

KHI KHỦNG HOẢNG KHÔNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Có nhiều trường hợp, người ta có thể đi qua khủng hoảng hiện sinh nhưng các vấn đề cơ bản của họ lại chưa được giải quyết. Điều này có thể xảy ra nếu vấn đề bị che lấp đi bởi những mối quan tâm khác, và do đó chỉ tồn tại ở trạng thái ẩn giấu hoặc tiềm ẩn. 

Ngay cả khi ở trạng thái này, nó vẫn có thể có những ảnh hưởng vô thức đến cách mà người ta điều hành cuộc sống của mình, chẳng hạn như lựa chọn nghề nghiệp. Nó cũng có thể làm tăng khả năng gặp phải khủng hoảng hiện sinh khác sau này trong cuộc đời và có thể làm cho việc giải quyết các khủng hoảng sau này trở nên khó khăn hơn.

6. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ KHỦNG HOẢNG

Các yếu tố gián tiếp để xác định mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng hiện sinh bao gồm sự hài lòng với công việc và chất lượng các mối quan hệ của một người. 

Ví dụ, bạo lực thể xác hoặc tranh cãi liên tục trong một mối quan hệ có thể được coi là dấu hiệu bên ngoài của một khủng hoảng tồn tại nghiêm trọng. 

Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng thiếu cảm giác về ý nghĩa trong cuộc sống thường liên quan đến các vấn đề tâm lý. Ngược lại, những người có suy nghĩ tích cực về ý nghĩa cuộc sống thường có những niềm tin tâm linh sâu sắc, có mục tiêu cuộc sống rõ ràng và cống hiến cho lý tưởng nào đó.

Có nhiều cách đo lường xem một người có đang trải qua khủng hoảng hiện sinh hay không, mức độ nghiêm trọng của nó, và phương pháp nào có thể giúp giải quyết vấn đề này. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng số liệu này để xác định mối liên hệ giữa khủng hoảng hiện sinh với các yếu tố khác như trầm cảm, giới tính, hoặc nghèo đói.

Một cách để đánh giá khủng hoảng hiện sinh là thông qua các bài test về chủ đề ý nghĩa của cuộc sống. Ví dụ như Bài kiểm tra Mục đích trong Cuộc sống (Purpose in Life Test) và Chỉ số Nhìn nhận về Cuộc sống (Life Regard Index).

6.1. BÀI KIỂM TRA MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG

Bài kiểm tra Mục đích trong Cuộc sống (Purpose in Life Test) là một công cụ đánh giá được phát triển để đo lường mức độ có ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống của một người. Được thiết kế bởi nhà tâm lý học William C. Crumbaugh và Leonard W. Maholick vào năm 1964, bài kiểm tra này tập trung vào việc xác định cảm nhận của cá nhân về mục đích và định hướng trong cuộc sống của họ.

Ý nghĩa và ứng dụng:

Bài kiểm tra Mục đích trong Cuộc sống cung cấp một cách tiếp cận có cấu trúc để đánh giá một khía cạnh quan trọng của sức khỏe tinh thần và sự hài lòng trong cuộc sống, giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về cảm nhận và định hướng của cá nhân.

6.2. CHỈ SỐ NHÌN NHẬN CUỘC SỐNG - LRI

Chỉ số Nhìn nhận về Cuộc sống (Life Regard Index - LRI) là một công cụ được thiết kế để đo lường mức độ cảm nhận và thái độ của một cá nhân về cuộc sống của họ. Đây là một công cụ đánh giá chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu về tâm lý học và sự phát triển cá nhân.

Các câu hỏi có thể liên quan đến:

   - Cảm nhận về sự có mục đích và giá trị của cuộc sống

   - Sự hài lòng với các mối quan hệ và công việc

   - Cảm giác hoàn thành và thỏa mãn cá nhân

Ví dụ câu hỏi từ Life Regard Index:

Ứng dụng: LRI có thể giúp các nhà tâm lý học và chuyên gia tư vấn xác định các lĩnh vực trong cuộc sống của một người cần cải thiện hoặc điều chỉnh để tăng cường cảm giác về ý nghĩa và mục đích. Nó cũng giúp theo dõi sự thay đổi trong cảm nhận ý nghĩa sống của một người theo thời gian hoặc sau khi tham gia các chương trình can thiệp hoặc điều trị.

7. GIẢI PHÁP CHO KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Vì khủng hoảng hiện sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, nên việc tìm cách giải quyết chúng rất quan trọng. Có nhiều cách giải quyết khác nhau, và phương pháp phù hợp thường phụ thuộc vào loại khủng hoảng mà người đó đang gặp phải. Nhiều phương pháp tập trung vào việc phát triển tư duy mới để giải quyết mâu thuẫn nội tâm. Tuy nhiên, một số phương pháp khác lại nhấn mạnh sự thay đổi bên ngoài.

Ví dụ, những khủng hoảng liên quan đến giới tính hoặc sự độc lập có thể được giải quyết bằng cách tìm kiếm một người bạn đời phù hợp với tính cách và sở thích của mình. Một mối quan hệ thành công thường bao gồm việc có sở thích chung, tham gia các hoạt động cùng nhau, và có trình độ học vấn tương đồng.

Đối với những khủng hoảng liên quan đến sự nghiệp, cách tiếp cận có thể là tìm kiếm công việc phù hợp với sở thích và kỹ năng của bản thân. Điều này giúp tránh những công việc không mang lại niềm vui, thiếu sự gắn kết, hoặc quá căng thẳng.

7.1. ĐỐI MẶT VỚI VIỆC MẤT Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Con người thường cảm thấy cần có ý nghĩa trong cuộc sống. Điều này có thể được thỏa mãn khi họ tìm thấy nguồn ý nghĩa nào đó. Ví dụ, niềm tin tôn giáo có thể giúp nhiều người cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Các mối quan hệ xã hội cũng là một nguồn ý nghĩa quan trọng.

Khi không còn nguồn ý nghĩa, người ta có thể gặp khủng hoảng. Ví dụ, nếu ai đó mất đức tin vào tôn giáo của mình khi đối mặt với cái chết và đau khổ, họ có thể cảm thấy cuộc sống của mình không còn ý nghĩa. Tương tự, nếu một người đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống, họ có thể cảm thấy mất phương hướng.

Khi không thể chấp nhận hoặc tìm cách hiểu lại tình huống khó khăn, người ta có thể cần phải tìm kiếm nguồn ý nghĩa mới hoặc tự hỏi liệu cuộc sống có ý nghĩa không. 

Tiếp cận từ tôn giáo/tín ngưỡng

Thứ nhất, một người có thể thực hiện một bước nhảy vọt trong tín ngưỡng và chấp nhận một hệ thống ý nghĩa mới mà không cần hiểu rõ sâu sắc về mức độ chắc chắn của nó trong việc cung cấp ý nghĩa cho cuộc sống.

Bước nhảy vọt trong niềm tin ngụ ý rằng con người cam kết với một điều mà họ chưa hoàn toàn hiểu rõ. Trong trường hợp của khủng hoảng hiện sinh, sự cam kết này liên quan đến việc tin rằng cuộc sống có ý nghĩa, mặc dù người tin không có sự biện minh hợp lý cho điều này. Bước nhảy này được thúc đẩy bởi khao khát mãnh liệt rằng cuộc sống có ý nghĩa và được kích hoạt như một phản ứng trước mối đe dọa mà khủng hoảng hiện sinh gây ra đối với sự thỏa mãn của mong muốn này.

Đối với những người có thể thực hiện điều này về mặt tâm lý, đây có thể là cách nhanh nhất để vượt qua khủng hoảng hiện sinh. Lựa chọn này có thể dễ dàng hơn đối với những người thiên về suy nghĩ trực giác và khó khăn hơn đối với những người ưa chuộng cách tiếp cận lý trí, vì nó ít đòi hỏi sự suy ngẫm và tự phân tích sâu sắc.

Có ý kiến cho rằng ý nghĩa đạt được qua bước nhảy vọt trong niềm tin có thể mạnh mẽ hơn trong một số trường hợp khác. Một lý do là vì nó không dựa trên bằng chứng thực nghiệm, nên cũng ít bị ảnh hưởng bởi bằng chứng chống lại nó. Lý do khác liên quan đến khả năng linh hoạt của trực giác, giúp bỏ qua những thông tin đe dọa và tập trung vào các tín hiệu củng cố niềm tin.

Tạo ra hệ thống ý nghĩa mới

Thứ hai, một phương pháp khác là cẩn thận xem xét tất cả các yếu tố liên quan và từ đó xây dựng lại và biện minh cho một hệ thống ý nghĩa mới. Cách tiếp cận này dựa trên ý tưởng rằng ý nghĩa không phải là điều tồn tại bên ngoài mà phải được tạo ra và duy trì bởi chính con người. Hoặc cũng có các phương pháp khác tập trung ít hơn vào việc tìm kiếm ý nghĩa và nhiều hơn vào việc tạo ra ý nghĩa. 

Ví dụ, nếu một người xác định rằng gia đình là nguồn ý nghĩa chính của họ, họ có thể tập trung mạnh mẽ vào khía cạnh này và ít chú ý hơn đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống, chẳng hạn như thành công trong công việc.

So với việc , cách tiếp cận này mang lại nhiều không gian hơn cho sự phát triển cá nhân nhờ vào quá trình tư duy và tự phản tỉnh mà nó đòi hỏi, cũng như kiến thức về bản thân thu được từ quá trình này. Tuy nhiên, một nhược điểm của phương pháp này là nó có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành và loại bỏ những hậu quả tâm lý tiêu cực.

Nếu thành công, những nền tảng đạt được theo cách này có thể cung cấp cơ sở vững chắc để đối phó với các khủng hoảng hiện sinh trong tương lai. Nhưng thành công không phải là điều chắc chắn, và ngay cả sau một thời gian dài tìm kiếm, cá nhân vẫn có thể không tìm thấy một nguồn ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mình.

Chấp nhận sự vô nghĩa của thế giới

Nếu việc tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống không thành công, vẫn còn một cách khác để giải quyết vấn đề vô nghĩa trong khủng hoảng hiện sinh: tìm cách chấp nhận rằng cuộc sống là vô nghĩa. Cách này đi ngược lại hai phương pháp trên bằng cách phủ nhận rằng cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Phương pháp này chấp nhận sự vô nghĩa của cuộc sống và học cách đối phó với nó mà không cần sống trong ảo tưởng về ý nghĩa. Phương pháp này cho rằng thế giới không có ý nghĩa, và thay vào đó họ cố gắng tìm cách đối phó tốt nhất với sự thật này.

Quan điểm này thường được gọi là thuyết hư vô. Cùng suy nghĩ như vậy, nhưng cũng có người phủ nhận ý nghĩa của một khía cạnh cụ thể của cuộc sống, nhưng cũng có người phủ nhận toàn bộ toàn bộ ý nghĩa cuộc sống.

Việc này trở nên cần thiết nếu cá nhân đi đến kết luận rằng, suy cho cùng, cuộc sống là vô nghĩa. Ban đầu, kết luận này có thể không thể chịu đựng được, vì con người dường như có một khao khát mạnh mẽ để sống một cuộc sống có ý nghĩa, điều mà được các nhà khoa học hay gọi là “sự khao khát ý nghĩa" (the will to meaning). Một số nhà lý thuyết, chẳng hạn như Viktor Frankl, coi khao khát này là động lực chính của tất cả mọi người.

Nhược điểm của cách tiếp cận này là người tin vào suy nghĩ này sẽ không xây dựng được những kế hoạch mang tính thực tiễn về cách sống cuộc đời của mình. Vì vậy, ngay cả khi một cá nhân đã giải quyết được một khủng hoảng hiện sinh theo cách này, họ vẫn có thể không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi họ nên làm gì với cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, những khía cạnh tích cực của quan điểm này bao gồm việc nó có thể mang lại cảm giác tự do mạnh mẽ hơn khi không bị ràng buộc bởi bất kỳ mục đích nào được định trước. Nó cũng thể hiện đức tính trung thực khi có thể thừa nhận một sự thật không thoải mái, thay vì trốn tránh vào ảo tưởng về sự có ý nghĩa của cuộc sống.

Trong các tài liệu nghiên cứu, có nhiều nguồn ý nghĩa có thể giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng bao gồm:

Lòng vị tha (altruism) là hành động hoặc thái độ dựa trên mong muốn giúp đỡ người khác. Người có tinh thần vị tha thường mong muốn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách:

- Cấp độ nhỏ: Cố gắng đối xử tốt hơn với những người xung quanh, quan tâm đến vấn đề của họ và giúp đỡ họ, dù trực tiếp hay gián tiếp.  

- Cấp độ lớn hơn: Đóng góp cho các tổ chức từ thiện hoặc hỗ trợ những người không quen biết.

Nghiên cứu cho thấy, tinh thần vị tha có thể là một nguồn ý nghĩa cuộc sống mạnh mẽ. Những người có tinh thần vị tha thường có mức độ hạnh phúc cao hơn và sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt hơn.

Việc cống hiến cho lý tưởng cũng có thể là một nguồn ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. Điều này bao gồm việc cam kết theo đuổi một mục đích hoặc lý tưởng lớn hơn bản thân mình. Thông thường, điều này liên quan đến lòng vị tha, khi mục tiêu là mang lại lợi ích cho người khác, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi, động lực để cống hiến cho một sự nghiệp xuất phát từ sự thỏa mãn cá nhân hoặc niềm đam mê với chính sự nghiệp đó, chứ không chỉ vì giúp đỡ người khác.

Mọi người có thể cống hiến cho các sự nghiệp khác nhau, chẳng hạn như:

- Hoạt động tôn giáo: Theo đuổi, quảng bá niềm tin và thực hành tôn giáo

- Phong trào chính trị: vận động thay đổi chính sách hoặc ủng hộ một hệ tư tưởng cụ thể

- Tổ chức xã hội: Góp phần cải thiện các hệ thống và tổ chức xã hội

- Nghiên cứu khoa học: Tham gia vào nghiên cứu khoa học chuyên môn hoặc khám phá các câu hỏi triết học.

Việc tham gia vào những sự nghiệp như vậy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống vì nó cho phép cá nhân đóng góp vào điều họ tin là quan trọng, giúp hiện thực hóa và phát triển sự nghiệp đó.

Sáng tạo và nghệ thuật là những hoạt động tạo ra hoặc thưởng thức những điều mới mẻ và thú vị. Đây có thể trở thành một nguồn ý nghĩa trong cuộc sống, ngay cả khi không rõ ràng rằng sáng tạo đó phục vụ một mục đích cụ thể nào. Khía cạnh này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật, nơi người ta đôi khi cho rằng tác phẩm nghệ thuật không cần có lý do biện minh bên ngoài, vì nó tự thân đã là lý do tồn tại.

Người ta cho rằng nhiều nghệ sĩ vĩ đại có cái nhìn sâu sắc hơn về những khó khăn hiện sinh của điều kiện con người, điều này đã thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của họ. Những nỗ lực này có thể đã phục vụ như một liệu pháp tinh thần cho chính họ. Tuy nhiên, sáng tạo không chỉ giới hạn trong nghệ thuật. Nó có thể được tìm thấy và thực hành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học, nấu ăn, làm vườn, viết lách, công việc thường ngày, đến các mối quan hệ lãng mạn, ở cả quy mô lớn và nhỏ.

Chủ nghĩa khoái lạc cũng có thể trở thành một nguồn ý nghĩa. Chủ nghĩa khoái lạc cho rằng một cuộc sống được tận hưởng tối đa là một cuộc sống có ý nghĩa, ngay cả khi nó không có mục đích cao cả nào vượt lên trên. 

Trong quan điểm này, cần lưu ý rằng khoái lạc không được hiểu theo nghĩa thô thiển, tức là theo đuổi các thú vui giác quan mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài. Mặc dù lối sống như vậy có thể thỏa mãn ở một số khía cạnh nhất định, nhưng một hình thức khoái lạc tinh tế hơn, bao gồm các hình thức hưởng thụ khác và xem xét đến hậu quả lâu dài, thường được khuyến khích trong các tài liệu nghiên cứu.

Ý nghĩa rộng hơn này cũng bao gồm những thú vui tinh tế hơn, chẳng hạn như chiêm ngưỡng nghệ thuật hay tham gia vào các cuộc trò chuyện trí tuệ kích thích. Theo cách này, cuộc sống có thể có ý nghĩa đối với cá nhân nếu nó được nhìn nhận như một món quà, gợi lên sự kinh ngạc trước điều kỳ diệu của nó và một sự trân trọng tổng thể về cuộc sống.

Theo quan điểm tự hiện thực hóa (self-actualization), mỗi con người đều mang trong mình tiềm năng về những gì họ có thể trở thành. Mục đích của cuộc sống là phát triển bản thân để hiện thực hóa tiềm năng này, và việc thành công trong quá trình này sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa cho cá nhân. Theo nghĩa này, giống như hạt sồi có tiềm năng trở thành cây sồi, một đứa trẻ sơ sinh có tiềm năng trở thành một người trưởng thành hoàn thiện với các đức tính và kỹ năng khác nhau dựa trên tài năng bẩm sinh của mình.

Quá trình tự hiện thực hóa đôi khi được hiểu theo một dạng bậc thang: những tiềm năng ở mức độ thấp hơn phải được hiện thực hóa trước khi việc hiện thực hóa các tiềm năng cao hơn trở nên khả thi.

Hầu hết các phương pháp đã đề cập trước đây đều có tác động thực tiễn rõ ràng, ảnh hưởng đến cách cá nhân tương tác với thế giới. 

Trong khi đó, phương pháp thái độ tiếp cận (attitudinal approach) xác định các nguồn ý nghĩa dựa trên việc có thái độ đúng đắn đối với cuộc sống. 

Điều này đặc biệt liên quan đến những tình huống tiêu cực, khi con người phải đối mặt với số phận mà họ không thể thay đổi. Trong các cuộc khủng hoảng hiện sinh, điều này thường biểu hiện qua cảm giác bất lực. Ý tưởng là trong những tình huống như vậy, một người vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa dựa trên việc giữ vững một thái độ đáng kính hoặc đáng ngưỡng mộ trước những khó khăn của mình, ví dụ như bằng cách giữ vững lòng can đảm.

Khả năng tiếp cận một nguồn ý nghĩa cụ thể có thể khác nhau tùy vào từng người. Nó cũng có thể phụ thuộc vào giai đoạn cuộc đời mà một người đang ở, tương tự như cách các giai đoạn khác nhau thường gắn liền với các loại khủng hoảng hiện sinh khác nhau. Chẳng hạn, đã có quan điểm cho rằng sự quan tâm đến bản thân và sự hạnh phúc của chính mình trong các phương pháp tự hiện thực hóa (self-actualization) và chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) thường gắn liền với các giai đoạn sớm hơn trong cuộc sống. Ngược lại, sự quan tâm đến người khác hoặc thế giới rộng lớn hơn trong lòng vị tha và cống hiến cho một lý tưởng thường xuất hiện ở các giai đoạn sau của cuộc đời, ví dụ như khi thế hệ lớn tuổi mong muốn truyền đạt kiến thức và cải thiện cuộc sống của thế hệ trẻ hơn.

7.2. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Theo Peter Wessel Zapffe, cuộc sống về bản chất là vô nghĩa, nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta tự động rơi vào khủng hoảng hiện sinh không thể giải quyết. Thay vào đó, ông xác định bốn cách để đối phó với sự thật này mà không rơi vào trầm cảm hiện sinh: cô lập, neo đậu, phân tâm, và thăng hoa.

Cô lập liên quan đến việc loại bỏ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực ra khỏi ý thức. Ví dụ, các bác sĩ và sinh viên y khoa có thể áp dụng một thái độ khách quan và kỹ thuật để đối phó tốt hơn với các khía cạnh bi thảm và ghê tởm của công việc.

Neo đậu liên quan đến việc cống hiến cho các giá trị và cam kết thực tế, mang lại cho cá nhân cảm giác chắc chắn. Điều này thường xảy ra tập thể, chẳng hạn như thông qua sự tận tâm với một tôn giáo chung, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở cấp độ cá nhân.

Phân tâm là một hình thức tạm thời rút lui sự chú ý khỏi sự vô nghĩa của những tình huống trong cuộc sống không mang lại đóng góp quan trọng nào cho việc xây dựng bản thân.

Thăng hoa là cơ chế hiếm gặp nhất trong số này. Đặc điểm chính của nó là sử dụng nỗi đau của cuộc sống và biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật hoặc một hình thức sáng tạo khác.

7.3. CÁC PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể được điều chỉnh để giải quyết khủng hoảng hiện sinh bằng cách áp dụng các phương pháp điều trị trầm cảm vào tình huống này. Cốt lõi của lý thuyết hành vi nhận thức là nhiều vấn đề tâm lý phát sinh từ những niềm tin cơ bản không chính xác về bản thân, chẳng hạn như cảm giác vô giá trị, bất lực, hoặc không đủ khả năng.

Những niềm tin này có thể âm thầm tồn tại trong một thời gian dài và chỉ khi bị kích thích bởi các sự kiện trong cuộc sống, chúng mới trở nên rõ ràng dưới dạng những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Những suy nghĩ này có thể gây ra trầm cảm và các vấn đề khác.

CBT giúp giải quyết khủng hoảng hiện sinh bằng cách nâng cao nhận thức của cá nhân về những mẫu suy nghĩ độc hại và niềm tin cơ bản không chính xác của họ. Quá trình này bao gồm:

Những phương pháp này nhằm giúp người bệnh hiểu và điều chỉnh các niềm tin cơ bản không chính xác, từ đó cải thiện cảm giác về bản thân và cách họ đối mặt với khủng hoảng hiện sinh.

Bên cạnh đó, còn có phương pháp Nhìn nhận từ góc độ xã hội” (hay social-perspective taking - góc nhìn người khác) là một phương pháp có thể giúp giải quyết khủng hoảng hiện sinh bằng cách đánh giá tình huống và bản thân từ quan điểm của người khác. 

Phương pháp này giúp cá nhân bước ra khỏi góc nhìn chủ quan của mình và xem xét cách mà người khác nhìn nhận về mình.

Bằng cách thực hành nhìn nhận từ góc độ xã hội, cá nhân có thể:

Phương pháp này giúp cá nhân không bị mắc kẹt trong suy nghĩ tiêu cực và có thể dẫn đến việc tìm ra giải pháp hoặc ý nghĩa mới trong cuộc sống.

8. KẾT

Khủng hoảng hiện sinh trong xã hội hiện đại là một vấn đề thú vị và phức tạp. Một số đặc trưng của xã hội hiện đại khiến cho khủng hoảng hiện sinh trở nên phức tạp hơn có thể tính đến như sau:

1. Mất Điểm Tựa Truyền Thống: Xã hội hiện đại đã chứng kiến sự suy giảm của các điểm tựa truyền thống như tôn giáo và các giá trị văn hóa cụ thể. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy không có nền tảng vững chắc để xây dựng ý nghĩa cuộc sống của mình.

2. Sự Đa Dạng Lựa Chọn: Với sự gia tăng các lựa chọn nghề nghiệp, lối sống, và các giá trị cá nhân, nhiều người có thể cảm thấy choáng ngợp và lo lắng. Việc phải lựa chọn giữa hàng triệu tùy chọn mà không có hướng dẫn rõ ràng có thể tạo ra cảm giác căng thẳng và khủng hoảng.

3. Áp Lực Thành Công Cá Nhân: Trong xã hội hiện đại, có nhiều kỳ vọng về thành công cá nhân và sự tự thể hiện. Những kỳ vọng này có thể tạo ra áp lực lớn và cảm giác thất bại nếu không đạt được các tiêu chuẩn đó, dẫn đến khủng hoảng hiện sinh.

4. Tìm Kiếm Ý Nghĩa: Trong khi xã hội hiện đại cung cấp nhiều cơ hội và sự tự do, việc tìm kiếm một ý nghĩa sâu sắc và bền vững trong cuộc sống vẫn là một thách thức lớn. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ thiếu mục đích và giá trị.

5. Sự Tách Biệt và Cô Đơn: Dù xã hội hiện đại kết nối mọi người qua công nghệ, nhưng cảm giác tách biệt và cô đơn vẫn phổ biến. Sự thiếu kết nối thực sự và hỗ trợ xã hội có thể làm gia tăng cảm giác khủng hoảng hiện sinh.

Nhìn chung, khủng hoảng hiện sinh trong xã hội hiện đại phản ánh sự thay đổi lớn trong cách chúng ta định hình và tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Nó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một thách thức xã hội cần được hiểu và giải quyết một cách toàn diện.